Văn phòng Công nhận Chất lượng Quốc gia Tham dự Hội nghị Thường niên APAC 2025 tại thành phố Bengaluru, Ấn Độ

2025-07-08 09:05:30 | Xem: 13
4 phút
Từ ngày 20 đến 28 tháng 6 năm 2025, Hội nghị thường niên của Diễn đàn Hợp tác Công nhận Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) đã diễn ra tại thành phố Bengaluru, Ấn Độ. Hội nghị do Hội đồng chất lượng Ấn Độ (QCI), Cơ quan Công nhận Quốc gia Ấn Độ (NABCB) và Phòng thí nghiệm Quốc gia về Hiệu chuẩn và Thử nghiệm (NABL) phối hợp tổ chức.

Đại biểu các quốc gia thành viên tham dự Hội nghị thường niên APAC 2025, Bengaluru, Ấn Độ

Từ ngày 20 đến 28 tháng 6 năm 2025, Hội nghị thường niên của Diễn đàn Hợp tác Công nhận Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) đã diễn ra tại  thành phố Bengaluru, Ấn Độ. Hội nghị do Hội đồng chất lượng Ấn Độ (QCI), Cơ quan Công nhận Quốc gia Ấn Độ (NABCB) và Phòng thí nghiệm Quốc gia về Hiệu chuẩn và Thử nghiệm (NABL) phối hợp tổ chức.

Sự kiện quy tụ hơn 300 đại biểu đại diện cho các cơ quan công nhận, tổ chức tiêu chuẩn hóa và chuyên gia kỹ thuật từ khắp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hội nghị nhằm cập nhật các định hướng chiến lược, chia sẻ thực tiễn tốt và thảo luận chuyên sâu về các nội dung kỹ thuật trong lĩnh vực đánh giá sự phù hợp.

Đoàn Việt Nam, do Văn phòng Công nhận chất lượng quốc gia (BoA), trực thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia – Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối đại diện, đã tham dự đầy đủ các phiên họp toàn thể và các hoạt động chuyên môn tại Hội nghị.

Đặc biệt, đại diện BoA đã tham gia tích cực vào hai tiểu ban kỹ thuật quan trọng của APAC:

Tiểu ban Kỹ thuật TC1 – Công nhận phòng thí nghiệm/hiệu chuẩn, phòng thí nghiệm y tế, công nhận các tổ chức cung cấp thử nghiệm thành thạo, tổ chức sản xuất mẫu chuẩn và ngân hàng sinh học (biobank): Tại đây, các đại biểu đã thảo luận sâu về việc áp dụng các tiêu chuẩn ISO/IEC 17025, ISO/IEC 17020, ISO 17034 và các tiêu chuẩn liên quan như ISO 334xx, ISO/IEC 17043, ISO 20387. Các hoạt động công nhận trong các lĩnh vực mới như ngân hàng sinh học (biobank) cũng được cập nhật. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến công nhận liên ngành và công nhận xuyên biên giới cũng đã được thảo luận.

Tiểu ban Kỹ thuật TC2 – Công nhận tổ chức chứng nhận và tổ chức đánh giá sự phù hợp khác: Nội dung tập trung vào việc cập nhật yêu cầu đối với các tổ chức chứng nhận hệ thống quản lý, sản phẩm và con người theo các tiêu chuẩn ISO/IEC 17021-1, ISO/IEC 17065 và ISO/IEC 17024. Các đại biểu cũng trao đổi về việc triển khai các chương trình công nhận mới trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu, như CORSIA (Chương trình bù trừ và giảm thiểu carbon cho hàng không quốc tế) và CBAM (Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới), cũng như kinh tế tuần hoàn. Tiểu ban kỹ thuật TC2 cũng nhất trí với đề xuất chọn mẫu đánh giá đối với các nhóm phạm vi theo quy định IAF level 4 (sub-scope group) cho các cuộc đánh giá lại trong khuôn khổ đánh giá thừa nhận APAC MRA. Việc lựa chọn này dựa trên năng lực của chuyên gia đánh giá, mức độ rủi ro và sự tương đồng về kỹ thuật, và việc đánh giá vẫn phải đảm bảo đầy đủ các phạm vi thừa nhận trong 2 chu kỳ đánh giá (8 năm).

Tại sự kiện này, Văn phòng Công nhận Chất lượng Quốc gia cũng chính thức được công bố chương trình công nhận Hệ thống quản lý an toàn thông tin (ISMS) của BoA đã được thừa nhận IAF MLA (Thỏa thuận Thừa nhận Lẫn nhau của Diễn đàn Công nhận Quốc tế).

Việc tham dự Hội nghị APAC 2025 là hoạt động đối ngoại kỹ thuật thường niên có ý nghĩa quan trọng. Hoạt động này không chỉ góp phần tăng cường sự hiện diện và vai trò của Việt Nam trong các diễn đàn khu vực, mà còn giúp Văn phòng Công nhận Chất lượng Quốc gia có cơ hội cập nhật các yêu cầu kỹ thuật mới nhất, duy trì vị thế là thành viên đầy đủ của APAC và các Thỏa thuận Thừa nhận Lẫn nhau (MRA/MLA) trong khu vực và toàn cầu.

Sự kiện cũng tạo điều kiện để BoA gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác song phương với các tổ chức công nhận hàng đầu trong khu vực và thế giới như TAF (Đài Loan), KOLAS (Hàn Quốc), CNAS (Trung Quốc), JAB (Nhật Bản), NATA (Úc), và A2LA (Hoa Kỳ).

Việc tham dự hội nghị này không chỉ khẳng định vị thế và năng lực của BoA trong cộng đồng công nhận quốc tế mà còn nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng chất lượng quốc gia, đóng góp thiết yếu vào quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Đoàn Việt Nam chụp cùng chủ tịch Diễn đàn Hợp tác Công nhận Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC)