CÔNG NHẬN HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

TUYÊN BỐ CHUNG NHÂN NGÀY CÔNG NHẬN THẾ GIỚI CỦA CHỦ TỊCH

CÔNG NHẬN PHÒNG THÍ NGHIỆM THẾ GIỚI (ILAC) VÀ

CHỦ TỊCH DIỄN ĐÀN CÔNG NHẬN THẾ GIỚI (IAF)



CÔNG NHẬN HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Chúng tôi vui mừng thông báo ngày công nhận thế giới sẽ diễn ra vào ngày 9/6/2011. Chủ đề năm nay đề cập đến hoạt động công nhận có vai trò như thế nào để hỗ trợ các cơ quan quản lý.

Công nhận giúp tạo sự tin cậy về năng lực và sự thống nhất của các hoạt động đánh giá sự phù hợp điều này góp phần hỗ trợ việc tuân thủ các chính sách và quy định của Chính phủ trong các lĩnh vực y tế, phúc lợi, an ninh và môi trường.

Chính phủ và các cơ quan quản lý có thể quy định việc sử dụng các tổ chức được công nhận trong các chính sách công, luật lệ và qui định và điều này sẽ tạo tin tưởng rằng các tổ chức có năng lực được sử dụng để xác định sự phù hợp với pháp luật, và các quy định của Nhà nước.

Ngày càng nhiều cơ quan quản lý trên toàn thế giới đang thừa nhận lợi ích của việc sử dụng hoạt động công nhận. Ví dụ ở Mỹ, hoạt động công nhận là yếu tố quyết định trong việc hoạch định chính sách của nhiều cơ quan quản lý như: Ủy ban an toàn sản phẩm tiêu dùng (CPSC) trong lĩnh vực thử nghiệm đồ chơi, Ủy ban quản lý Hạt nhân (NRC) trong lĩnh vực hạt nhân và Ủy ban quản lý về thuốc và thực phẩm (FDA) trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, công nhận là cơ sở hợp tác thực thi Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau của ASEAN trong lĩnh vực điện và điện tử như là cách thức đáp ứng các yêu cầu bắt buộc của từng thành viên và hỗ trợ việc thực hiện khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Tại Châu Âu, khung pháp lý cho việc cung cấp các dịch vụ công nhận trên toàn Châu Âu đã được xây dựng thành luật nhằm thừa nhận lợi ích của hoạt động công nhận bằng cách qui định rằng hoạt động công nhận phải được sử dụng như một phương tiện chứng tỏ sự phù hợp với các yêu cầu pháp lý bắt buộc.

Việc các tổ chức khu vực, các cơ quan quản lý của mỗi quốc gia chấp nhận công nhận cũng giúp cho mỗi chính phủ thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) thể hiện được trách nhiệm của họ trong Thỏa ước hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT). Liên hiệp quốc cũng đề cao vai trò của IAF và ILAC như là những nhân tố chủ chốt trong tiến trình này.

Việc thừa nhận ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý đã được phản ánh trong cuộc khảo sát do Tổ chức ILAC thực hiện năm 2010 đối với các quốc gia thành viên, với kết quả cho thấy có đến 55 quốc gia đã trả lời và khẳng định công nhận được sử dụng và được chấp nhận nhằm hỗ trợ chính sách của Chính phủ. Thực tế, 77% các nền kinh tế khẳng định rằng các cơ quan quản lý của họ thực sự cần đến những kết quả từ các tổ chức được công nhận. So với năm 2002 thì con số này đã tăng lên 36% chứng tỏ rằng các cơ quan quản lý ngày càng nhận thức được giá trị và sự tin cậy do hoạt động công nhận mang lại.

Mặc dù có sự gia tăng như đã nêu trên, hoạt động công nhận được thừa nhận  rộng rãi hơn vẫn là mục tiêu cơ bản của Tổ chức công nhận phòng thí nghiệm thế giới (ILAC) và Diễn đàn Công nhận thế giới (IAF) không chỉ bằng cách phát triển hoạt động này vào những lĩnh vực mới mà còn cả bằng việc mở rộng tới những vùng lãnh thổ và khu vực mới. Công nhận chính là công cụ đã được khẳng định có thể áp dụng rộng rãi đối với việc đánh giá, phê duyệt hoặc những nhiệm vụ đánh giá có thể được sử dụng để đáp ứng được những yêu cầu của các cơ quan quản lý cả ở các nước đã phát triển và đang phát triển. Ngày công nhận thế giới 2011 tạo ra một nền tảng lý tưởng để xây dựng tiến trình nêu trên và để đạt được sự thừa nhận rộng rãi hơn.


Hồ Minh Trang biên dịch

© 2016 by BoA. All right reserved